Kinh nghiệm mua nhà đất để không bị lừa

Kinh nghiệm mua nhà đất để không bị lừa
Ngày đăng: 17/01/2023 12:07 PM
193 lượt xem

    Thực tế hiện nay không ít người mua rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi mua nhà đất gặp phải lừa đảo. Nhiều trường hợp cầm sổ hồng trong tay rồi nhưng vẫn bị lừa mất trắng do sổ giả, dẫn tới mệt mỏi do khởi kiện, tranh chấp kéo dài. Dưới đây là một số kinh nghiệm mua nhà đất để không bị lừa bạn có thể tham khảo.

     

    Kinh nghiệm mua nhà đất để không bị lừa

    Mua nhà đất khi có sổ đỏ

    Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng khi có Giấy chứng nhận; đất đó không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và đất còn trong thời hạn sử dụng. 

    Do đó, để tránh những rủi ro, rắc rối có thể xảy ra, nếu không có Giấy chứng nhận thì không nên mua mảnh đất đó. 

    Xem thêm: Số đỏ là gì

    Không trả hết tiền khi chưa sang tên

    Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính, nếu chưa đăng ký vào sổ địa chính thì không nên trả hết tiền cho người chuyển nhượng.

    Bên cạnh đó, bạn không nên dồn tiền thanh toán 100% trong 1 lần duy nhất mà nên chia số tiền thanh toán thành nhiều đợt như: tiền đặt cọc, thanh toán lần một khi ký hợp đồng, thanh toán đợt cuối khi sang tên xong.

    Kiểm tra sổ đỏ, quy hoạch

    - Cách kiểm tra tránh sổ đỏ giả

    Thực tế có nhiều trường hợp đánh tráo sổ đỏ, lừa bán nhà, đất bằng sổ đỏ giả. Để xác định được sổ đỏ thật hay giả, người mua có thể tự kiểm tra các thông tin, thông số trên sổ đỏ.

    Đặc biệt, bạn có thể kiểm tra vấn đề thật giả dựa trên mã vạch được in tại cuối trang 4 của Giấy chứng nhận. Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; nội dung mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:

    MX là mã xã (phường) cấp GCN; MN là mã năm cấp GCN; ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Dãy số mã vạch có thể có 15 hoặc 13 chữ số. Trường hợp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì dãy số có 15 chữ số, các trường hợp còn lại dãy số sẽ có 13 số.

    Để chắc chắn hơn, người mua nên cùng chủ sở hữu mang sổ đỏ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên môi trường kiểm tra và xác minh.

    Đọc thêm: Cách nhận diện sổ thật, sổ giả

    - Cách kiểm tra quy hoạch, thế chấp

    Việc tra cứu thông tin quy hoạch giúp người dân chủ động trong việc mua – bán bất động sản, đưa ra được quyết định hợp lý, tránh rủi ro khi mua “nhầm” đất dính quy hoạch.

    Để tránh lừa đảo mua bán nhà đất, bạn cần kiểm tra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất; đề nghị chủ nhà hoặc môi giới cho xem bản chính có mộc đỏ của các loại giấy tờ.

    - Người mua có thể đến UBND cấp xã, phường, thị trấn để gặp gỡ cán bộ phụ trách địa chính khu vực, xin thông tin quy hoạch đất tại địa bàn. Cách thức này phù hợp với việc giao dịch đất giữa những người trong cùng khu vực.

    - Người mua có thể đến trực tiếp Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi có thửa đất để nộp hồ sơ xin trích lục thông tin. Các này mất nhiều thời gian nhưng có độ tin cậy cao, tra cứu được nhiều thông tin về tài sản định mua. 

    - Ngoài ra, người mua cũng có thể tra thông tin tin trực tuyến, hay các phần mềm xem quy hoạch nếu có. Hiện nay, hầu hết UBND các quận, huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử, trên đó đăng tải các thông tin về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. 

    Cẩn trọng khi mua bán bằng giấy viết tay, vi bằng

    - Mua bán, giao dịch bằng giấy viết tay thực tế là giao dịch bằng lòng tin giữa các bên, bên bán có thể “lật mặt” đổi ý không bán hoặc bán cho người khác khi được trả giá cao hơn. Giao dịch này cũng sẽ không có giá trị pháp lý và quyền lợi của các bên, đặc biệt người mua không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.

    - Các trường hợp lừa đảo mua bán nhà đất qua hợp đồng vi bằng thường xảy ra ở những quận, huyện vùng ven thành phố với những căn nhà “ba chung”: chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà. 

    Những kẻ lừa đảo nhà đất sẽ sử dụng các từ như “vi bằng công chứng thừa phát lại” hay “công chứng thừa phát lại” để dụ dỗ người mua nhà thiếu hiểu biết vào tròng. 

    Tuy nhiên, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Trong trường hợp đất “dính” tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép,… thì việc lập vi bằng trên không còn giá trị.

    Xem thêm: Hiểu rõ về nhà vi bằng để tránh rủi ro

    Lưu ý các điều khoản trong hợp đồng

    Hợp đồng mua bán là căn cứ pháp lý quan trọng để ràng buộc cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên. 

    Trước khi ký hợp đồng mua bán, cần đọc thật kỹ nội dung, nhất là các điều khoản về thanh toán, thời gian bàn giao nhà ở, giấy chứng nhận, quyền và nghĩa vụ mỗi bên,… 

    Nếu là lần đầu giao dịch, người mua nên nhờ đến người quen am hiểu hoặc những đơn vị uy tín tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng. Đặc biệt, hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. 

    Đọc thêm: 

    • Khi mua nhà cần xem những giấy tờ gì
    • Những điều cần tránh khi mua bán nhà đất
    • Kinh nghiệm trả tiền khi mua nhà đất
    • Kinh nghiệm cho người mua nhà đất lần đầu